Mùa nước nổi, ở quê tôi, người ta không gọi mùa nước lên là lụt mà nói là mùa nước nổi, nước bò lên đường lớn, lên sân đất, lên cây cột đá dưới nhà sàn. Cũng có thể nhà sàn là nét văn hóa còn lưu lại từ thời ông bà ta khai hoang mở đất xuống miền Nam, nhưng tôi tin rằng nó tồn tại vì mảnh đất miền Tây có mùa nước nổi.
Canh chua cá linh bông điên điển, nhắc tới đã thấy thèm nhỏ dãi, đây là món ăn phổ biến vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm).
Để làm món ăn này, người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo.
Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ.
Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu.
Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.