Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Món bún ốc thơm ngon ngày se lạnh

Bạn đã biết tự làm bún ốc chưa, không khó đâu, cứ theo cách dưới đây là có ngay món ngon cho cả nhà rồi!

Nguyên liệu: (5 người)

2kg ốc bươu (ốc vặn)

1kg xương heo

0.5 kg cà chua

0.5kg xà lách

0.5kg rau thơm

200g hành hoa

10g tía tô

10g ngò gai

30ml giấm

10g muối

5g đường


Cách làm:



Ốc rửa sạch, luộc chín, khêu lấy thịt.

Hầm xương heo trong 90 phút cho đến khi xương chín kĩ.

Cà chua cắt miếng nhỏ.

Hành hoa, ngò gai, tía tô cắt nhỏ.

150g hành lá cắt khúc 2cm, đập dập, phi vàng.

Nấu nước dùng: nước hầm xương + nước ốc + giấm + đường + muối


Rau sống ăn kèm 

Cà chua xào sơ cho vào nước dùng, cho hành lá phi vàng vào. Múc bún vào tô, cho ốc, hành, ngò gai, tía tô lên, chan nước dùng vào.

Món này múc ra bát khi còn nóng hổi, ăn với rau sống ngon rất ngon. Nguyên liệu có thể để từ tối trong tủ lạnh, sáng hôm sau bạn chế biến nhanh tay là được bữa sáng cực ngon cho gia đình rồi đó.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé!

sưu tầm

Cuối tuần trổ tài món Tràng lợn hấp gừng

Tràng lợn là món ngon, dễ làm nhưng nếu không biết cách chế biến món ăn sẽ mất đi hương vị của nó. Dưới đây là cách chế biến món tràng lợn hấp gừng thơm ngon là món nhậu cho chồng ngày cuối tuần.

Nguyên liệu:

Tràng lợn

Gừng tươi

Rau răm

Mắm, tiêu, ớt, đường

Cách chế biến:



Tràng lợn bóp muối và giấm và rửa sạch.
Đun sôi một nồi nước muối, cho tràng vào chần, đến khi nước trong nồi vừa sôi trở lại thì gắp tràng ra, ngâm vào bát nước lạnh 1- 2 phút, đem ra thái thành khúc ngắn vừa ăn.

Gừng tươi thái sợi. Rau răm rửa sạch, thái nhỏ.

Cho tràng vào đĩa sâu lòng hoặc bát nông, trộn gừng, răm, mắm, tiêu, ớt, đường vào cùng. Gừng và răm có thể dùng nhiều để tạo mùi thơm đặc trưng, mắm dùng vừa đủ để làm món ăn đậm đà, ớt chỉ cần chút xíu để món ăn thêm vị cay tê tê, đường cũng chỉ cần dùng chút xíu.

Cho đĩa lòng vào nồi hấp đến khi tràng chín hẳn, nhưng không chín quá kĩ.

Ăn kèm thêm rau răm.
Chúc bạn thành công và có món ngon giữ chồng ngày cuối tuần nhé!

sưu tầm

Cơm tối ngon với món gà xào chua ngọt

Chắc chắn cả gia đình bạn sẽ rất thích khi được thưởng thức một món ăn không chỉ hài hòa về màu sắc, độc đáo về hương vị mà còn được chế biến rất nhanh và đơn giản.

Nguyên liệu:

500g thịt ức (đùi) gà lọc da, xương cắt miếng vừa ăn

100g dứa thái miếng vuông, 2 quả ớt chuông xanh, đỏ thái miếng,

1 lòng trắng trứng, 2 thìa cà phê bột ngô, 1/2 thìa cà phê muối, 1 nhánh hành lá thái nhỏ.

50ml giấm gạo, 50ml tương cà chua, 50ml nước ép dứa, 2-3 muỗng canh đường nâu, 1 thìa cà phê gừng băm, 1 nhúm ớt bột


Bước 1:


Trộn lòng trắng trứng, thịt gà, 1/4 thìa cà phê muối và bột ngô, để 15 phút cho thấm gia vị.


Bước 2:



Trong một bát khác, hòa nước dứa với đường, giấm, tương cà, ớt bột, 1/4 thìa cà phê muối.




Bước 3:

Đun nóng 1 thìa canh dầu ăn rồi cho ớt chuông vào xào khoảng 2 phút thì đổ ớt ra đĩa.


Bước 4:

Láng dầu ăn đều mặt chảo, trút gà vào xào đến khi thịt săn lại thì bạn đổ ớt, dứa và nước xốt pha sẵn vào đảo đều.


Đun thịt từ 2 - 3 phút để nước xốt sánh lại và thịt cũng thấm đều gia vị. Đổ thịt ra đĩa và trang trí với hành lá thái nhỏ.

Gà xào chua ngọt ngon nhất khi được ăn nóng với cơm vì khi đó, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt vị mềm, ngọt, chua, cay của từng miếng lườn gà. Chắc chắn cả gia đình bạn sẽ rất thích khi được thưởng thức một món ăn không chỉ hài hòa về màu sắc, độc đáo về hương vị mà còn được chế biến rất nhanh và đơn giản.


Chúc các bạn ngon miệng nhé!
sưu tầm

Mẹo luộc gà ngon


Thịt gà là loại thực phẩm phổ biến, giàu chất dinh dưỡng và cung cấp nhiều năng lượng đặc biệt là chất albumin, chất béo. Bên cạnh đó thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, axit niken, phốt pho, sắt.

Ăn thịt gà rất tốt cho não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, stress cũng như cải thiện huyết áp, nhịp tim.

Theo Đông Y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng, làm mạnh phổi, bồi bổ cho người bệnh lâu ngày, dạ dày yếu không hấp thu được thức ăn. Mọi người có thể chế biến thịt gà theo nhiều cách khác nhau. Có thể hầm, rán, luộc, quay… nhưng có lẽ món thịt gà luộc là món được rất nhiều người ưu thích.

Cách luộc thịt gà ngon


Món thịt gà ngon phải đáp ứng những tiêu chí như thịt bên trong thật chín đều mà giữ được lớp da ngoài còn độ dai, giòn, khi chặt thịt xương không bị đỏ…

Vậy, để đáp ứng được các tiêu chí trên khi luộc gà, bạn nên cho gà vào lúc nước lạnh để da gà không bị nứt vỡ. Sau khi nước sôi thì đun nhỏ lửa để gà chín đều mà không bị vỡ thịt. Luộc một con gà nhanh nhất khoảng 20 phút (trung bình là 30 phút), nhưng để luộc gà chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).

Lưu ý, nếu thịt gà để trong tủ lạnh thì khi luộc phải lâu hơn gấp đôi so với mức bình thường.

Khi luộc gà xong, vớt ra, bạn hãy ngâm ngay con gà nóng hổi đó vào xoong nước sôi để nguội. Nhờ ngâm nước nên da gà không bị thâm đen. Nếu muốn thịt gà hấp dẫn hơn thì sau khi nhấc gà ra khỏi nước lạnh, để ráo nước lấy mỡ gà đã rán quét một lớp mỏng lên trên. Con gà sẽ có màu vàng mượt nhìn rất hấp dẫn.

sưu tầm

Cà tím cuộn thịt chiên xù


Miếng cà tím với lớp bột chiên xù bên ngoài giòn tan ngay đầu lưỡi, tiếp đến là vị thơm mềm của cà chín quyện lẫn với vị ngọt thấm mùi tiêu, mùi hành của thịt xay…



Nguyên liệu:

Thịt lợn xay

Trứng gà

Bột áo, bột chiên xù


Cà tím

Hạt tiêu xay, hành xanh

Bột nêm, gia vị, nước mắm ngon, tỏi, ớt, chanh

Cách làm:



Cà tím rửa sạch, bỏ cuống, thái ngang quả, lát mỏng, to bản. Ngâm trong nước có pha muối cho cà ra hết nhựa và mềm. Ngâm khoảng 20 phút thì với ra, để ráo.


Thịt xay ướp hạt tiêu, hành xanh thái nhỏ, bột nêm, gia vị, lòng đỏ trứng gà, một chút dầu ăn (giúp thịt sau khi ướp không bị chảy nước). Ướp khoảng 15-20 phút cho ngấm.


Trải miếng cà lên thớt, vo viên thịt, đặt vào giữa làm nhân


Cuộn miếng cà lại và cố định bằng tăm.

Bột áo trộn lòng đỏ trứng gà, pha loãng.

Bắc chảo, đổ nhiều dầu, để lửa to vừa.


Khi thấy dầu sủi tăm thì nhúng miếng cà cuộn thịt vào bột áo, sau đó lăn qua lớp bột chiên xù, thả vào chảo dầu.


Rán cà cuộn thịt chín vàng đều, gắp ra đĩa.


Pha nước mắm chua ngọt, đập nhánh tỏi và thêm vài lát ớt tươi, dùng làm nước chấm cho cà tím cuộn thịt chiên xù.

Món này nên ăn nóng, có thể ăn với cơm hoặc nhâm nhi cùng chút rượu vang hoặc bia. Chúc các bạn ngon miệng.

sưu tầm

Món ngon cho bé: Đậu ngự chiên giòn

Đậu ngự chiên có lớp vỏ bột giòn tan, bên trong đậu chín bùi, bở, thơm ngon.



Nguyên liệu:


300g đậu ngự tươi

1 lòng trắng trứng gà

Bột chiên giòn

Dầu ăn

Các bước thực hiện:

Đậu ngự ngâm trong nước sôi khoảng 2 phút.


Bóc bỏ lớp vỏ ngoài của hạt đậu rồi đổ ra rổ, để ráo nước.



Cho đậu ra tô


Thêm lòng trắng trứng vào, trộn đều.


Cho bột chiên giòn vào âu đậu đã trộn. Bạn cũng có thể múc ít một đậu ra đĩa đã để sẵn bột chiên giòn.


Đậu đã lăn qua bột cho ra rổ thưa mắt xóc đều cho rơi hết bột thừa và các hạt đậu rời nhau.


Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho đậu vào chiên vàng.


Vớt đậu ra rá, để ráo dầu.


Dùng nóng với tương ớt hoặc tương cà.



sưu tầm

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Chăm sóc môi mùa lạnh


Để có một làn môi gợi cảm thì trang điểm không thôi vẫn chưa đủ. Bảo vệ môi hàng ngày, giữ cho môi có một độ ẩm nhất định sẽ giúp làn môi khoẻ mạnh và sống động hơn. Đặc biệt khi thời tiết đã bắt đầu khô và chuyển lạnh, làn môi của bạn càng cần được chăm sóc hơn bao giờ hết.


Nếu chăm sóc đúng cách, bạn vẫn sẽ có làn môi mềm gợi cảm mùa hanh khô. 

Cấu tạo của môi

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Bạn Có Bùi Ngùi?



3 chuyện tình : Tình Bạn, Tình Mẹ, Tình Người


Tình Bạn : Tại sao anh khóc?
Một anh nọ đến gõ cửa nhà anh bạn Bedouin để nhờ vả:
“Tôi muốn anh cho tôi mượn bốn ngàn dinar vì tôi phải trả nợ. Anh giúp tôi được không?”
Anh bạn bảo vợ gom hết mọi thứ giá trị họ đang có, nhưng cũng không đủ. Hai vợ chồng phải đi mượn hàng xóm cho tới khi gom đủ số tiền.
Khi anh nọ đi rồi, vợ thấy chồng mình khóc.
“Sao anh lại buồn? Giờ đến lượt hai vợ chồng mình lại nợ hàng xóm, có phải anh sợ mình không trả nợ nổi?”
“Chẳng phải vậy đâu! Anh khóc vì anh ấy là người anh rất quý mến, vậy mà anh chẳng hề biết anh ấy gặp hoạn nạn. Anh chỉ nhớ tới anh ấy khi anh ấy đến gõ cửa hỏi mượn tiền.”
Tình Mẹ : Không chịu buông tay!
Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!
Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càng gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!
Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta. Là nơi ta tìm về khi mệt nhòai trên con đường đời đầy rẫy chông gai.


Tình Người : Tiếng đóng cửa
Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.
Mẹ tôi khuyên: "Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm".
Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm. Có người khuyên: "Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu..."
Rồi người ấy nói tiếp: "... Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được. Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm!
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: "Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi".
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.
Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: "Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn..."
Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.
Mẹ tôi an ủi: "Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được..."
Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.
Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.
Tôi nói với mẹ: "Mẹ nói đúng thật!"
Nhưng tôi bỗng bất ngờ… khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.
Mẹ tôi nghẹn ngào nói: "Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn.
Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi
Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.
Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: "Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi".
Rồi cậu nói trong tiếng nấc: "Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ..."
Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra...Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.
Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời.
Xin Bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình,
Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương.
Tạo Hóa ban tặng riêng chỉ có ở "Con Người"...



18 TRUYỆN NGẮN



1. Mẹ tôi! (Vương thị Vân Anh)

Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học.
Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ, Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu.
Mẹ tôi không biết chữ!


2. Khóc dùm
Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi


3. Sống ở đời (Phạm Quốc)
Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việt làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trể con ạ".
Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại rộng lượng với người khác con ạ!"



4. Bi kịch (Huỳnh Thanh Vân)
Sạp anh chị ít khách vãng lai. ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách. Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.

5. Đôi mắt
Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, dến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh". Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?"
Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em".

6. Điện thoại (Võ Thành An)
Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.
Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".


7. Nghịch lý (Văn Triều)
Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói:
- Tôi góp một phần.
- Tôi một phần.
- Tôi cũng một phần.
Thím Tư chen vào, như đùa như thật:
- Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?!
Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muổi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muổi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con.
Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!


8. Tóc sâu (Song Khê)
Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoai, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".
Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".
Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".
Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.


9. Tiền mừng tuổi (Trương Đình Dạ Vĩnh)
Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho ... Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lời.
Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết.
Mười tám tuổi, nó mang nổi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi.
Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên giường cằm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.


10. Khóc (Bùi Phương Mai)
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói:
- Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh.


11. Nói dối (D.A.D)
Ngày đó nhà nghèo Cha mất , Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giổ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!".
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miến ăn, chiếc bánh...
Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.


12. Chung riêng (Nga Miên)
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh...cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...


13. Tình già (Nguyễn Thái Sơn)
Đêm tối đen.Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mìnhđã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây são rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...
Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?". Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".



14. Ngày sinh nhật đầu tiên (Xuân Vy)
Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?". Mẹ lặng thinhmắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!". Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc ào theo.
... Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.


15. Mưa đầu mùa (Nguyễn Thanh Xuân)
Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy ngươi đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh.
Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như "cá gặp nước", những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà ngày xưa như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải đem cho đi. Tôi tỏ ý khó chịu, Mẹ chỉ cười buồn bảo: "Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó...".
Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, Mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng...


16. Vợ chồng (Tùy Nghi)
Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ những lúc ấy anh lại ôm lấy chị , vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đãm lên nào!
Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!


17. Những chiếc bao lì xì
Ba Mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và tiền bỏ đầy con heo đất.
Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: "Mầy được bao nhiêu?"
Nó đáp; "Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 cái bao không".


18. Phần cô (H.M.N.)
Sinh nhât cô giáo, cả lớp mang tặng cô nào hoa,nào vải may áo dài...
Giở gói quà của Hằng ra ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo: "Ngày nào em cũng được ăn khoai lang nướng ngon lắm cô ạ. Chắc cô chưa bao giờ được ăn?".
Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô giá

Sưu tầm

Trị khàn tiếng, mất tiếng đơn giản mà hiệu quả

Khàn tiếng hay mất tiếng thường xảy ra ở người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như giáo viên, phát thanh viên, dẫn chương trình, cổ động viên, người làm việc trong các môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá nhiều.
Sau đây là những bài thuốc trị khàn tiếng, mất tiếng đơn giản mà hiệu quả từ quất, giá đậu xanh, chè đậu xanh:

Nước giá đậu xanh: 


Lấy 100g giá sống, rửa sạch cho vào tô. Rửa tay sạch, bóp nát giá, sau đó đổ một ít nước sôi vào tô, lượng nước ngang bằng giá. Đậy nắp lại khoảng 15 phút, bỏ xác giá, lọc lấy nước uống. Có thể uống hai - ba lần mỗi ngày.

Quất chưng đường phèn:




Cắt hai trái quất (tắc) ra thành các khoanh mỏng, bỏ hạt. Đập nát một cục đường phèn nhỏ cho vào và đem chưng cách thủy khoảng 30 phút. Để nguội và ngậm quất trong ngày.

Húng cây chưng đường phèn:

Dùng 5-10 lá húng cây luôn cả thân, rửa sạch, cắt nhỏ và cho vào tô chưng cách thủy với đường phèn khoảng 20 phút. Để nguội, ngậm lá trong ngày.

Chè đậu xanh nguyên vỏ:


Nấu khoảng 50g đậu xanh hạt nguyên vỏ, đậu xanh chín nhừ cho ít đường vào. Ăn trong ngày.

Người bị khàn tiếng có thể ăn canh thịt nạc nấu với đậu hủ, lá hẹ hoặc ăn cháo thịt kho với giá sống.
Nên hạn chế nói để giúp bệnh sớm hồi phục; tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia; tránh ăn thức ăn chiên xào, chua cay.

sưu tầm

Bí quyết chế biến từng loại mứt Tết:

1 Mẹo làm mứt tắc (quất):

Để có hũ mứt quất vừa ngon vừa đẹp mắt, phải cẩn thận ngay từ khâu chọn quả. Quất làm mứt phải là loại được trồng ngoài vườn, không phải quất cảnh. Chọn những quả tròn đều, không quá chín.


Khi chế biến thì có một bí quyết giúp quả quất cứng, không nát là phải ngâm với nước vôi (vôi ăn trầu) khoảng vài tiếng đồng hồ, nhưng không nên ngâm lâu quá, mứt sẽ nồng mùi vôi. Sau đó vớt quất ra rửa sạch nước vôi rồi luộc chín trong khoảng 8 - 10 phút. Tiếp đến là ép cho nước và hạt ra hết. Như thế khi làm xong món mứt rất ngon và giòn.

2 Mẹo làm mứt me:

Mẹo giúp chúng ta bóc vỏ me dễ dàng hơn, và sản phẩm hoàn thiện sẽ đẹp hơn. Đó là pha 2 muỗng canh muối trong 3 lít nước, cho me vào ngâm, vỏ me sẽ tróc ra. Sau đó dùng mũi dao nhọn xẻ một đường dọc sóng lưng me, tách từng lớp vỏ theo đường trôn ốc. Khi me đã sạch vỏ, ngâm nước muối khoảng 2 ngày, sau đó xả với nước cho bớt chất chua.



3 Mẹo làm mứt dừa:

Khi tách phần cơm dừa ra khỏi vỏ, nếu không khéo sẽ làm nát hết dừa, và thành phẩm làm ra sẽ không được đẹp mắt. Vì thế cần chú ý lúc bổ đôi quả dừa ra, hơ trên ngọn lửa cho tới khi phần cơm bong ra, thế là có được phần cơm dừa nguyên vẹn.



4 Mẹo làm mứt vỏ cam, vỏ bưởi:

Các món mứt từ vỏ cam, vỏ bưởi làm không khéo rất dễ bị đắng. Muốn làm mứt cam, mứt bưởi không đắng thì cho vỏ cam vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi trong 3 phút rồi xả lại bằng nước lạnh. Với vỏ chanh hoặc vỏ bưởi thì bạn nên đun thêm một lần nữa để hết hẳn vị đắng.



5 Mẹo làm mứt gừng:

Khi luộc gừng bạn cho vào một ít phèn chua, phèn chua sẽ làm cho gừng trong hơn và đẹp mắt hơn.

sưu tầm


Mứt quất, tắc, hạnh

Mứt quất dẻo dẻo, chua ngọt, hơi the là một món ăn chơi mãi không chán. 



 Trước khi làm, cần xác định làm loại mứt khô đường hay mứt ướt dẻo. Với loại mứt khô đường thì cách làm tương tự như mứt bí, áp dụng với hầu hết các loại mứt. Lưu ý chỉ làm mứt khô với nguyên liệu trái cây/củ/quả không có vị chua. Với loại mứt dẻo, nếu là quả ngọt, rau củ ngọt thì cần thêm nước cốt chanh để đường khỏi kết tinh.


Làm mứt quất, nếu muốn làm kiểu có lớp đường trắng ở ngoài thì không sử dụng nước cốt chanh.

Khi mua quất tươi ngoài chợ, có thể trái vẫn còn hơi xanh, như thế này


Sau khi để vài ngày ở chỗ ấm áp, trái sẽ chín vàng dần.


Công thức:

Nguyên liệu:

- Quất chín vàng

- Vôi tôi

- Phèn chua

- Muối

- Đường

- Chanh tươi, vắt lấy nước cốt

Cách làm:

Cứ mỗi 1kg quất cần dùng đến 1.5-2L nước để ngâm. Mỗi 1L nước thì dùng khoảng 5g vôi khô chưa tôi. Cứ thế nhân lên nếu làm nhiều

Đêm trước, lấy vôi tôi, sau đó đổ 1L nước, hòa tan. Để sang ngày hôm sau cho nước vôi lắng. Gạn lấy nước trong. Hòa với số nước còn lại. Ví dụ dùng 20g vôi khô, tôi xong hòa với 1 L nước, sáng hôm sau gạn nước trong, hòa tiếp với 3L nước nữa, vậy là đủ 4L nước cho 20g vôi.

Quất có thể giữ nguyên vỏ hoặc gọt vỏ tùy theo ý thích. Có thể làm quất tròn hoặc thành miếng dẹt hình hoa. Nếu làm hình hoa thì khứa dọc quanh thân quả, dùng tay bóp từ từ, lựa lấy hạt ra.


Nếu làm quất tròn thì khứa hình chữ thập ở đáy, lựa vắt lấy nước và hạt. Làm quất tròn mất công hơn quất hoa dẹt và ăn cũng khô hơn chứ không được dẻo bằng.


Quất quả tròn

Ngâm quất vào dung dịch nước vôi trong khoảng 4h.


Vớt ra, rửa sạch dưới vòi nước.

Cứ mỗi 1L nước dùng 5g phèn chua giã mịn. Đun nước sôi, cho phèn chua. Tắt bếp. Cho quất vào chần chín, ngâm trong nước nóng khoảng 10′.

Vớt ra xối nước lạnh. Để ráo nước. Có thể cầm từng quả ép ra nước.

Cân quất. Cứ 1kg quất thì dùng 650g-700g đường trắng và nước cốt 1 quả chanh.

Cân và chia thành những phần khoảng 1kg quất để xào cho dễ. Cho đường vào chảo, cho một vài thìa nước, đun sôi. Đường sẽ tan, keo dần lại. Không khuấy nước đường sau khi sôi. Thử bằng cách nhỏ giọt hoặc khi thấy đường gần kéo sợi trên thân đũa thì cho quất và nước cốt chanh, một ít muối vào xào cho ngấm đường, khoảng 3′. 


Vớt quất ra để riêng, tiếp tục nấu đường cho đến khi sánh đặc lại.


Nếu có nhiệt kế thì ở nhiệt độ 120 độ C, không có nhiệt kế thử bằng cách lấy bát nước lạnh, nhỏ giọt đường vào, nếu nước cuộn lại thành giọt tròn, không tan là vừa độ. Hạ lửa nhỏ, cho quất trở lại chảo, xào đều tay cho đến khi mứt lên màu đẹp.


Miếng quất sẽ trong, ăn có vị hơi the của tinh dầu từ vỏ, dẻo, có vị hơi chua nhẹ của nước cốt chanh, vị ngọt vừa phải của đường.


sưu tầm