Cây hồi, còn có tên đại hồi, đại hồi hương, bát giác hồi hương, tiếng Bắc Kinh gọi là Bajiao, tên khoa học là Illicium verum, thuộc họ hồi (Illiaceae), thường bị lầm với cây hồi Nhật Bản (Illicium anisatum) hoặc cây hồi núi (Illicium griffithii) đều có chất độc. Ngoài ra, còn có cây tiểu hồi (Foeniculum vulgare, họ Apiaceae) được di thực từ các nước vùng Địa Trung Hải về trồng ở Việt Nam. Cây thân thảo nhỏ, nhìn qua rất giống cây thìa là, toàn cây khi vò nát cũng có mùi thơm của hồi. Dùng quả làm thuốc với tên hồi hương, thành phần chính cũng là tinh dầu (Anethol).
Trong dược liệu, khi nói đến đại hồi hay bát giác hồi hương là nói đến quả chín phơi khô của cây hồi.
Mô tả cây
Hồi là cây nhỡ, cao khoảng 2 - 6m, thân thẳng to, cành thẳng, nhẵn, dễ gãy, lúc non màu lục nhạt sau chuyển thành màu xám. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, cánh hoa màu trắng ở phía ngoài, màu hồng ở phía trong. Quả hồi (dân gian thường gọi nhầm thành hoa hồi) gồm có 6-8 đại (cánh), có khi nhiều hơn, xếp thành hình sao, đường kính trung bình 2,5 - 3cm, lúc tươi có màu xanh, khi chín khô cứng có màu nâu hồng. Hạt nhỏ hình trứng, nâu nhạt, nhẵn bóng, nằm ở chính giữa mỗi đại khi nứt làm hai.
Phân bố, thu hái
Ở Việt Nam, cây hồi được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Ở Trung Quốc, cây hồi được trồng chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, cung cấp 90% tổng sản lượng toàn cầu.
Thu hái quả chín vào tháng 7-9 và tháng 11-12, đem tách ra từng mảnh, bỏ hạt, rửa sạch rồi phơi trong mát hoặc nắng nhẹ cho khô hẳn.
Khi dùng, có thể đem tẩm rượu sao (cách giấy) hoặc tẩm nước muối sao qua (cách giấy). Cũng có thể đem chưng cất lấy tinh dầu.
Thành phần hóa học chính trong quả hồi là tinh dầu, nếu cất bằng phương pháp kéo hơi nước từ quả hồi tươi sẽ thu được hàm lượng 3-3,5%. Nếu để khô, hàm lượng đạt 9 - 10%. Tinh dầu là chất lỏng không màu hoặc vàng nhạt, có mùi thơm đặc biệt, chứa 80-90% anethol, còn lại là các terpen, terpineola, pinen, dipenten. limonen,… Trong lá hồi cũng chứa chủ yếu là tinh dầu nhưng không được dùng làm thuốc. Hạt hồi chỉ có dầu béo.
Tính vị và tác dụng
Theo Đông y, đại hồi có vị cay, ngọt, tính ôn (ấm), mùi thơm, có tác dụng kiện tỳ, khai vị, trừ đờm, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau), sát trùng, vào 4 kinh Can, Thận, Tỳ, Vị. Thường dùng chữa nôn mửa, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, giải độc của thịt cá, tay chân nhức mỏi. Mỗi ngày dùng 4-8g, dạng thuốc hãm, thuốc sắc, hoặc 1-4g dạng thuốc bột. Ngoài ra còn dùng quả hồi ngâm rượu cùng với một số dược liệu khác để xoa bóp chữa tê thấp, nhức mỏi.
Tây y cũng đã sử dụng quả hồi làm thuốc trung tiện, kích thích tiêu hóa, lợi sữa. Có tác dụng trên hệ thống thần kinh và cơ (giảm đau, giảm co thắt ruột), được dùng trong các bệnh lý đau dạ dày, ruột. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng say, run tay chân, xung huyết não và phổi, có khi co giật như động kinh. Tinh dầu hồi có tác dụng kích thích, làm dễ tiêu, chống co giật, ức chế sự lên men ruột, long đờm và lợi tiểu nhẹ, là thành phần các thuốc trị ho, thuốc xoa bóp ngoài da, thuốc trị bệnh nấm da và ghẻ.
Quả hồi còn được dùng làm hương liệu, người ta chế rượu hồi (làm rượu khai vị), làm thơm kem đánh răng. Quả hồi là thành phần không thể thay thế trong một số gia vị như bột cà-ri, bột nêm ngũ vị hương và là nguyên liệu không thể thiếu trong món phở.
Nguyên liệu bào chế Tamiflu
Giờ đây, quả hồi đang trở thành cứu tinh của các nước có dịch cúm gia cầm vì là thành phần chính để bào chế thuốc trị cúm Tamiflu. Các cánh đồng trồng hồi bát ngát vài trăm hecta ở Trung Quốc trở thành “vũ khí” quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu trước nguy cơ đại dịch cúm gia cầm. Giá hồi đã tăng gấp 3 lần trong gần 4 tháng qua, hiện tại là 0,8 USD/pound (454g).
Kể từ khi thuốc Tamiflu được bào chế ra cách đây gần 10 năm bởi Tập đoàn Gilead, California (Mỹ), chính cây Quinkina (chứ không phải cây hồi) được dùng làm thành phần chính của thuốc. Nhưng khi hãng dược phẩm Roche Holding AG mua lại bản quyền bào chế Tamiflu thì họ đã thay Quinkina bằng hồi.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã khuyến cáo không nên lạm dụng hồi vì chất chiết xuất từ hồi trong thuốc Tamiflu đã trải qua quá trình chế biến rất phức tạp (để cho ra chất acid shikimic), chứ không giống như thành phần ban đầu. Ngoài ra, trong tương lai, hãng Roche đang có kế hoạch điều chế chất acid shikimic này bằng phương pháp lên men để không còn quá phụ thuộc vào nguồn hồi được trồng lâu nay.
sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét