Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Bệnh viêm bàng quang



Có thể bạn chưa biết

Bàng quang là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tiết niệu của con người. Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu sau khi đã được lọc qua thận và khi căng đầy sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài...


Bệnh viêm bàng quang là một hội chứng bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tất cả các nguyên nhân gây viêm bàng quang thì nguyên nhân do vi khuẩn đóng một vai trò đáng kể. Viêm bàng quang có thể gặp cả trong cộng đồng và hay gặp hơn cả là trong nhiễm khuẩn bệnh viện.

Viêm bàng quang mãn tính thường xảy ra nhiều lần trong một năm với những triệu chứng tương tự như viêm bàng quang cấp tính nhưng âm ỉ hơn.

Viêm bàng quang do đâu?

Viêm bàng quang có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang do thăm khám hoặc thực hiện các thủ thuật bằng dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối... Trong tất cả các loại gây viêm bàng quang thì cốt lõi vẫn là vi khuẩn. Có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, có loại đi ngược dòng nước tiểu, có loại từ máu đi qua thận rồi xuống bàng quang (vãng khuẩn huyết, nhiễm khuẩn huyết). Hầu hết các loại vi khuẩn gây viêm bàng quang là vi khuẩn họ đường ruột. Đó là những vi khuẩn Gram âm, đứng hàng đầu trong họ vi khuẩn đường ruột gây viêm bàng quang chủ yếu là E.coli, sau đó là các vi khuẩn Proteus mirabilis, Kelbsiela pneumoniae, Enterobacter, Citrobacter, Serrater...

Triệu chứng của viêm bàng quang như thế nào?

Thông thường có hai loại: viêm bàng quang cấp tính và viêm bàng quang mạn tính.

Viêm bàng quang cấp tính: Đây là loại hay gặp nhất trong các loại viêm đường tiết niệu dưới (niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Thương tổn chủ yếu xảy ra tại niêm mạc bàng quang với các hình thái phù nề, sung huyết. Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột như tiểu buốt kèm theo đau dọc từ niệu đạo lên bàng quang. Đau buốt kéo dài trong suốt thời gian đi tiểu và còn kéo dài sau khi tiểu hết nước tiểu trong nhiều phút. Do niêm mạc bàng quang bị viêm, dễ bị kích thích nên số lần đi tiểu tăng lên làm cho bệnh nhân lúc nào cũng buồn đi tiểu. Tuy vậy, do mỗi lần đi tiểu gây buốt nên người bệnh tiểu không hết, phải tạm dừng vì đau và buốt. Người bệnh thường có cảm giác tức ở vùng dưới rốn (vùng tương xứng với vị trí của bàng quang). Mặc dầu bệnh nhân có nhiễm khuẩn thực sự nhưng không sốt. Nước tiểu thường đục ở đầu bãi hay toàn bãi, đôi khi nước tiểu có máu (đái máu đại thể hoặc đái máu vi thể).

Viêm bàng quang mãn tính: Nếu viêm bàng quang cấp tính mà không chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ thì rất dễ trở thành viêm bàng quang mãn tính. Do viêm nhiễm bàng quang lâu ngày nên thành bàng quang dày lên, xơ hóa làm cho tính đàn hồi của bàng quang bị suy giảm mỗi lần co bóp để tống nước tiểu ra ngoài nên sẽ có hiện tượng tiểu són.

Viêm bàng quang có thể nhầm với bệnh gì?

Với các triệu chứng đặc hiệu của viêm bàng quang như tiểu đau, buốt, tức hạ vị, tiểu đục, tiểu ra máu có thể nhầm với mốt số bệnh về đường tiết niệu như viêm thận, thận ứ mủ, sỏi thận, sỏi niệu quản hoặc viêm niệu đạo, chít hẹp niệu đạo. Ngoài ra cũng có thể nhầm với ung thư bàng quang, viêm kẽ bàng quang, hay đau bàng quang chưa rõ nguyên nhân (nước tiểu thường trong, không có vi khuẩn, không có tế bào bạch cầu).

Khi nghi bị viêm bàng quang nên làm gì?

Không nên tự tiện dùng thuốc dù là thuốc tây y hay thuốc nam, đông y mà cần khẩn trương đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán xác định có viêm bàng quang hay không? Khi đã được xác định là viêm bàng quang cần tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ và các tư vấn kèm theo. Cần điều trị đủ liều và đúng thời gian, không nên chỉ uống thuốc một vài hôm thấy hết triệu chứng thì ngừng thuốc, vì như vậy sẽ làm tăng thêm tính kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh, nếu bị bệnh trở lại thì việc điều trị rất phức tạp.

Làm gì để phòng bệnh viêm bàng quang?

Viêm bàng quang hầu hết do vi khuẩn, vì vậy cần vệ sinh sạch sẽ bộ phân sinh dục, nhất là nữ giới. Khi có bệnh viêm sinh dục, niệu đạo cần điều trị dứt điểm, không để mầm bệnh lây lan đến bàng quang và hệ thống tiết niệu trên. Những bệnh như viêm niệu đạo, âm đạo do lậu cầu, Chlamydia, Mycoplasma... là những bệnh nếu điều trị không triệt để rất dễ làm lan ngược dòng gây v. Vì vậy cần tích cực và kiên trì điều trị các bệnh này ngay từ đầu để không trở thành mạn tính.




sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét