Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Phòng Hăm hàng Ngày Cho Trẻ


Trong 6 tháng đầu đời, nhiều bé có hai mông đỏ ửng ở nhiều mức độ vì làn da mong manh của bé bị kích ứng với phân và nước tiểu. Trầm trọng hơn, làn da mông tấy đỏ do cọ sát với tã. 





Phân nhão do thuốc kháng sinh, thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc những kích thích do mọc răng cũng khiến hăm phát triển. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn giảm hăm cho con:

- Dùng tã giấy có khả năng hút tốt vì nó sẽ khiến da của bé khô lâu. Nên thay tã cho con thường xuyên ngay cả khi bạn nghĩ bé không bị ướt.

- Rửa sạch vùng quấn tã với nước sau khi thay tã. Không dùng khăn ướt có cồn để lau cho con.

- Nếu bé hăm nặng, sau khi vệ sinh xong, có thể nhúng mông của bé vào chậu nước có pha baking soda (một bát nhỏ baking soda vào một chậu nước). Cách này giúp trung hòa axit trong phân và nước tiểu. Sau đó, lau khô bằng khăn mềm.

- Thỉnh thoảng, cần để mông, bẹn của bé được thoáng khí. Trong giấc ngủ ngắn của bé, nếu trời ấm, bạn có thể cởi bỉm cho con, gấp một chiếc tã vải lót trên tấm ni-lon rồi kê dưới mông của bé, tránh giường ướt do bé tè.

- Có thể thoa kem chống hăm chứa oxit kẽm sau mỗi lần thay tã.

- Nếu những nốt ban đỏ mọc dưới rốn của bé thì bạn nên gập cạp của bỉm ra bên ngoài để hạn chế phần cạp này cọ vào bụng của bé.

Bên cạnh hăm thông thường, có những loại hăm đặc biệt hơn, chẳng hạn:

- Hăm do dị ứng thực phẩm thường là một vòng màu đỏ quanh hậu môn. Đó có thể do bé dị ứng với nước cam hay cà chua. Trường hợp này, cần hạn chế thực phẩm trên và theo dõi.

- Ban nấm men cần điều trị bằng kháng sinh, nổi lên từng vùng với màu đỏ hồng hoặc nổi da gà. Nên hỏi bác sĩ về kem bôi cho bé.

- Trường hợp hiếm, ban có thể do vi khuẩn, vùng ban có kích thước như đồng xu, đóng vỉ màu mật ong, nổi quanh mông. Trường hợp này cũng cần được bác sĩ kê thuốc bôi kháng sinh.

sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét