Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Vì Sao Bánh Mì Việt "Hút Hồn" Thực Khách Mĩ



Mới đây, theo báo Restaurant News, bánh mì Việt Nam (chữ "bánh mì" được viết nguyên cả dấu) đang trở thành món ăn thu hút sự chú ý trên đất Mỹ.

Theo báo Restaurant News, trước đây bánh mì Việt Nam thường chỉ xuất hiện ở những quán ăn dành cho người Việt hoặc châu Á nhưng nay nó đã có mặt thường xuyên trong thực đơn của nhiều nhà hàng tại New York, và trên các xe tải nhỏ Nom Nom bán thực phẩm ở Los Angeles, San Francisco.




Khái niệm bánh mì ngày càng trở nên thân thuộc với thực khách Mỹ. "Bánh mì" ở đây là một món bánh mì dài kẹp truyền thống kết hợp với một ít rau tươi, trộn nước thịt, ngoài ra có thể thêm patê và sôt mayonaise. Các ông chủ cửa hàng bánh mì lớn cho biết, bánh mì sẽ xuất hiện trước đông đảo người dân tại các thành phố khắp nước Mỹ.







Sức hấp dẫn của bánh mì Việt Nam đến từ đâu?




Dễ thấy, người Việt chỉ mới biết đến bánh mì vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, chiếc bánh khi ấy chỉ có bơ hay phết thêm chút pa tê. Dần dần, người Việt tài tình sáng tạo ra những chiếc bánh mì có hương vị đặc trưng: vị đậm đà của miếng thịt quay, vị tươi mát của rau xà lách, cái giòn tan của vỏ bánh... Nếu muốn, thực khách có thể đề nghị cho thêm một chút pa tê gan lợn thơm phức, một vài nhánh rau mùi tươi và chút gia vị ớt vừa cay vừa ngọt.









Bánh mì Việt Nam thông thường làm từ bột mì và bột gạo với vỏ bánh cứng, giòn.

Các thực phẩm bên trong tùy theo vùng miền, thường bao gồm:

Thịt lợn quay, thịt băm hầm với gia vị, thịt xíu mại, pa tê gan, lạp xường, trứng rán, chả, bì, bơ, mỡ hành...







Các loại rau:

Dưa chuột thái mỏng, rau mùi (ngò), đồ chua, dọc hành, hành tây, húng thơm,...

Nước sốt, gia vị:

Xì dầu, nước mắm, nước tương, tiêu, nước sốt, bột canh, tương ớt v.v.







Các nguyên liệu nói trên được bày biện trong một chiếc bánh mì thơm phức, luôn sẵn sàng phục vụ người ăn.







Bánh thường được nướng nóng giòn từ trước, sau đó người bán sẽ rạch một đường dọc theo thân bánh và cho lần lượt theo thứ tự gia vị, bơ, thịt (hoặc trứng, chả, thịt xá xíu...), gắp một chút rau (dưa chuột, rau mùi, hành...) để lên trên phần nhân thịt đã có và rưới nước sốt (tương ớt, xì dầu...).



Bánh mì nóng giòn - nét Hà Nội xưa còn lại. Nhắc tới Hà Nội trong quá khứ, không thể không nói tới món bánh thơm phức, giòn tan này.








Không biết bánh mì nóng giòn trở thành món ăn đặc trưng của Hà thành từ khi nào nhưng trên khắp các con phố của thủ đô ngày ấy... bất cứ thời điểm nào trong ngày, tiếng rao “bánh mì Hà Nội nóng giòn đây” đã trở nên quen thuộc và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Bất cứ ai một lần đến với Hà Nội cũng không thể quên mua vài chiếc bánh mì về làm quà.








Bánh mì Hà Nội mà người ta nhớ tới không phải là loại bánh mì có đường hóa học, rắc vừng, kẹp giò hay chả như ngày nay. Mà đó là loại bánh được làm từ bột mì nguyên chất. Cầm chiếc bánh mì nóng có màu hanh vàng, hình bầu dục dài khoảng 20cm, ở giữa của bánh mì nở tung để lộ những lớp bột mì trắng xốp, lấy 2 ngón tay búng nhẹ lên lưng chiếc bánh sẽ biết được độ giòn của bánh, đưa lên miệng và cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của nó. Bánh mì sẽ càng thơm ngon hơn trong những ngày đông giá rét.






Nếu ở Sài Gòn, nhắc đến bánh mì, người dân Sài thành có thể kể vanh vách những cái tên mà hàng chục năm nay luôn khiến họ " chảy nước miếng" vì thòm thèm mỗi khi nhắc đến như: Bánh mì Như Lan, Hà Nội, Lệ…







Ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn đã có mặt khắp nơi trong nước. Nó còn theo chân người Việt bén rễ ở nhiều quốc gia khác.






Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình từ rất sớm. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon. Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay...







Cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) đã tồn tại được hơn 50 năm từ năm 1958. Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay. Ngoài ra, có thể kể đến Bánh mì bít tết Nam Sơn: 200bis Nguyễn Thị Minh Khai F6, quận 3; Bánh mì bít tết Hỏa Diệm Sơn: 41 Võ Văn Tần, quận 3; Bánh mì bít tết Lệ Hồng: 489/27/29 Huỳnh Văn Bánh - Phú Nhuận; Bánh mì tươi 62 Mạc đỉnh chi F.Đakao; Bánh mì Như Lan, 50-64-68 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, Q.1, TP. HCM...






Bánh mì cay là món đặc sản của đất cảng Hải Phòng. Món ăn ấy được coi như "của để dành" của người miền biển.







Chiếc bánh bé xíu ấy được bổ đôi, cho patê vào giữa rồi cho vào lò nướng. Bánh có thêm ít hành khô phi thơm và tất nhiên không thể thiếu được món tương ớt (chí chương) cay xè lưỡi, làm từ ớt tươi nguyên trái.









Bánh mì Huế được làm bằng bột pha theo công thức gia truyền. Vỏ bánh mì vàng ruộm, giòn tan, nhưng ruột bánh lại trắng như bông, ăn vào vừa mềm lại có độ dai vừa phải. Một suất bánh mì bít tết đầy đủ từ thịt bò bít tết, xíu mại, trứng ốp, bánh mỳ cho đến đĩa dưa chuột chua ngọt giòn tan.









Địa điểm thưởng thức bánh mì Huế ngon tại 193 – 195 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.











Và cứ thế, theo bước chân người Việt xa xứ, món bánh mì đang "hớp hồn" thực khách năm châu mà nước Mỹ là một trong số ấy.

sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét